Sức trẻ ở làng Thanh niên lập nghiệp Tân Pun

Mỗi lần trở lại thăm làng thanh niên lập nghiệp biên giới Tân Pun, Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), lòng chúng tôi luôn rộn lên cảm xúc bùi ngùi, xúc động trước những đổi thay từng ngày, từng giờ của mảnh đất này. Thay cho khung cảnh hoang vu những ngày đầu, không có đường, điện, nước, nhìn trước, ngó sau đâu đâu cũng bạt ngàn lau sậy mọc cao ngất trời nay được thay bằng một bức tranh sinh động với những vườn cà phê đang chín rộ, những nông dân trẻ nhộn nhịp với công việc thu hoạch, bán sản phẩm rạng rỡ nụ cười được mùa, được giá, những con trẻ sinh ra tại làng đang vui đùa, tập đi, tập nói và ê a những bài học vỡ lòng trong ngôi trường mẫu giáo mới khang trang…

Với nhu cầu xóa đói giảm nghèo cho thanh niên, đồng thời phát huy sức trẻ góp phần giữ gìn biên giới, năm 2002, Huyện đoàn Hướng Hóa xin thành lập làng Thanh niên lập nghiệp biên giới. Sau hơn hai năm khảo sát, thiết kế, xây dựng kế hoạch..., tháng 11/2004, làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Mã Lai - Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa được thành lập. 30 hộ thanh niên đầu tiên đến từ các xã, thị trấn: Tân Liên, Khe Sanh, Tân Hợp, Hướng Tân cam kết chung lưng đấu cật, đoàn kết một lòng xây dựng miền quê mới trên 60 ha đất của núi rừng Hướng Phùng, dọc biên giới Việt - Lào. Ngày 9/3/2007, làng sáp nhập thêm một số hộ của thôn Mã Lai và đổi tên thành thôn Tân Pun - xã Hướng Phùng theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. 
 

Những vườn cà phê xanh mướt trên con đường làng Tân Pun.


Việc hình thành và phát triển làng thanh niên biên giới có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò xung kích và nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và giữ gìn an ninh biên giới. Qua đó, từng bước đưa nghị quyết của Đảng, Đoàn các cấp vào cuộc sống, đặc biệt là Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) và Nghị quyết số 06 - NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện Hướng Hóa (khóa XIII) về phát triển nông nghiệp - nông thôn đến năm 2010.

Làng thanh niên lập nghiệp biên giới xã Hướng Phùng được xây dựng trên quan điểm trở thành một đơn vị kinh tế - xã hội giàu mạnh, thu hút một bộ phận thanh niên xung kích, tình nguyện đến lập nghiệp và định cư lâu dài cùng thanh niên bản địa để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong toàn huyện; tập trung phát triển những ngành kinh tế chủ đạo, khai thác lợi thế của từng tiểu vùng kinh tế, chú trọng phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ; từng bước phát triển cây công nghiệp, ngành nghề thủ công, trồng mới, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng... nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Hướng Phùng.

Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Hướng Phùng do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 làm chủ đầu tư, với tổng nguồn vốn tính đến thời điểm hiện tại là 10,667 tỷ đồng. Các hộ gia đình trong những ngày đầu tiên đặt chân đến làng được cấp đất, hỗ trợ làm nhà ở, nước sinh hoạt (giếng đào), lương thực 6 tháng đầu, cây con giống, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để xây dựng gia nghiệp trên vùng đất mới. Các công trình đường giao thông, thủy lợi, điện... được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Với những định hướng đúng đắn của ban quản lý, cùng sự chịu khó, không quản ngại khó khăn của những hộ thanh niên đi tìm miền đất mới, vùng đất hoang vu ngày nào nhanh chóng biến thành một công trường sản xuất sôi động.

Ngay từ ngày đầu mới vào làng, các hộ gia đình tập trung vào trồng các loại hoa màu như rau, ngô, lạc kết hợp trồng mới cây cà phê với chủ trương “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ đó, đời sống các hộ thanh niên lập nghiệp nhanh chóng được ổn định và phát triển. Tính đến nay, bình quân mỗi hộ gia đình làng thanh niên có từ 1,8 - 2,2 ha cà phê với năng suất 17 - 20 tấn/ha, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trừ chi phí sản xuất, những hộ gia đình trẻ này thu nhập bình quân từ 100 - 200 triệu đồng/hộ/năm. Đời sống văn hóa của làng ngày càng được nâng cao với những ngôi nhà mới khang trang, những tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Đặc biệt, đầu năm 2011, nhà trẻ làng thanh niên lập nghiệp được khởi công xây dựng và kịp thời hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm học 2011 – 2012. Hai cô giáo trẻ là những trí thức trẻ tình nguyện đang công tác tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Một thế hệ mới của làng thanh niên lập nghiệp đang từng ngày khôn lớn trưởng thành như những vườn cà phê đầy triển vọng trên mảnh đất này.

Nhìn lại chặng đường hơn 6 năm qua, có thể khẳng định dự án làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Tân Pun - Hướng Phùng thực sự là một chủ trương đúng đắn và giàu ý nghĩa thực tiễn, khả năng phát triển bền vững, đóng góp quan trong trong việc phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ quốc phòng - an ninh biên giới. Đây được xem là mô hình điểm để tiếp tục đầu tư, xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp biên giới trong thời gian tới trên địa bàn Hướng Hóa. 

                                                     Bài, ảnh: NGUYỄN ĐĂNG THÁI

  • 202-KH/TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch tổ chức hoạt động Đội hình Tình nguyện viên trực tuyến tỉnh Quảng Trị (19/02/2025)

  • 190-KH-TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông Vững bước dưới cờ Đảng (14/01/2025)

  • 184-KH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức phát động thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp (23/12/2024)

  • 17-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đoàn, tập thể lãnh đạo, cá nhân cấp huyện và cơ sở (22/01/2025)

  • 16-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới năm 2025 "Lớp đoàn viên 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam" (08/01/2025)

Đang truy cập: 309

Hôm nay: 948

Tổng lượt truy cập: 1,165,149

Liên hệ Facebook Đăng nhập