Giảm nghèo bền vững luôn là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước. Tại Quảng Trị, với điều kiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, công tác giảm nghèo không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn mang ý nghĩa chiến lược lâu dài. Trong hành trình đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã và đang thể hiện rõ vai trò xung kích, sáng tạo, trách nhiệm, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên yếu thế.

          Trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ, thanh niên Quảng Trị không chỉ là lực lượng trụ cột trong các phong trào hành động cách mạng mà còn là tác nhân trực tiếp tạo nên sự chuyển mình của các vùng quê nghèo. Những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, vươn lên thoát nghèo.

          Xác định rõ tầm quan trọng của việc hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế như một giải pháp căn cơ trong công tác giảm nghèo, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân… để triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ: từ vay vốn ưu đãi, tư vấn nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng sản xuất, đến chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn khởi nghiệp. Chính nhờ những chính sách đồng bộ, bám sát thực tiễn và phù hợp với đặc điểm từng địa phương mà phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi ngày càng lan tỏa rộng khắp.

          Từ chủ trương đến hành động, từ chính sách đến thực tiễn, các mô hình thanh niên phát triển kinh tế tại Quảng Trị đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt. Nổi bật có thể kể đến mô hình nuôi thỏ sạch thương phẩm của đồng chí Hoàng Văn Thụ tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa; mô hình chăn nuôi dúi của đồng chí Trần Kim Dũng xã Hải Phú, huyện Hải Lăng; mô hình nuôi ốc bươu đen của đồng chí Trần Công Hiếu xã Cam Thuỷ, huyện Cam Lộ… Những mô hình này không chỉ giúp thanh niên thoát nghèo mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của địa phương.




          Bên cạnh đó, chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” gắn với xây dựng nông thôn mới cũng được các cấp bộ Đoàn triển khai sâu rộng. Thông qua các hoạt động hỗ trợ thương hiệu, bao bì, xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm do thanh niên làm chủ đã dần khẳng định được vị thế trên thị trường, góp phần gia tăng giá trị kinh tế, quảng bá hình ảnh quê hương.




          Không dừng lại ở việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Tỉnh đoàn Quảng Trị còn chú trọng phát triển các hoạt động đào tạo nghề và khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua việc phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghề, hướng dẫn lập dự án khởi nghiệp, tổ chức Ngày hội việc làm và kết nối cung cầu lao động, Đoàn đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ ở nông thôn.

          Đặc biệt, công tác hỗ trợ nhóm thanh niên yếu thế như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, thanh niên thất nghiệp luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, việc làm của thanh niên được thực hiện thường xuyên để từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

          Hàng loạt hoạt động như “Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ thủ tục hành chính cho nhân dân”, “Ngày Chủ nhật xanh”, các phong trào làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà nhân ái, hỗ trợ sinh kế cho thanh niên nghèo… cũng góp phần tạo điều kiện để thanh niên rèn luyện, trưởng thành, khẳng định bản lĩnh và trách nhiệm với cộng đồng.

         Dù được hỗ trợ từ nhiều phía, song yếu tố quan trọng nhất để thanh niên thoát nghèo bền vững vẫn chính là tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên. Chỉ khi người trẻ thực sự nhận thức được giá trị của lao động, ý nghĩa của sự đổi thay từ chính bàn tay, khối óc của mình, thì công cuộc giảm nghèo mới có thể mang lại kết quả bền vững.

         Thực tiễn cho thấy, những mô hình thành công đều bắt đầu từ chính sự chủ động, sáng tạo và quyết tâm vượt khó của thanh niên. Họ không trông chờ, ỷ lại mà luôn tìm tòi hướng đi mới, sẵn sàng đón nhận cái mới, cái khó. Đây cũng chính là tinh thần cốt lõi mà tổ chức Đoàn các cấp luôn nỗ lực bồi dưỡng, hun đúc trong mỗi bạn trẻ.

          Với phương châm “Ở đâu có khó khăn, ở đó có thanh niên”, tuổi trẻ Quảng Trị đang từng bước chứng minh vai trò xung kích, sáng tạo trong công tác giảm nghèo. Những mô hình, cách làm hay, những câu chuyện vượt khó thành công không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn lan tỏa cảm hứng, cổ vũ tinh thần vươn lên trong cộng đồng thanh niên.

          Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong giảm nghèo là nhiệm vụ vừa trước mắt, vừa lâu dài. Muốn làm được điều đó, các cấp bộ Đoàn cần tiếp tục đổi mới hoạt động, kết nối đa dạng nguồn lực và lan tỏa các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả. Khi thanh niên thực sự trở thành chủ thể trong công cuộc phát triển, thì mục tiêu giảm nghèo bền vững sẽ từng bước được hiện thực hóa bằng chính khát vọng, ý chí và hành động của tuổi trẻ.

Minh Ngọc


  • 202-KH/TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch tổ chức hoạt động Đội hình Tình nguyện viên trực tuyến tỉnh Quảng Trị (19/02/2025)

  • 190-KH-TĐTN-XDĐ

    Kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông Vững bước dưới cờ Đảng (14/01/2025)

  • 184-KH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức phát động thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp (23/12/2024)

  • 17-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đoàn, tập thể lãnh đạo, cá nhân cấp huyện và cơ sở (22/01/2025)

  • 16-HD/TĐTN-XDĐ

    Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới năm 2025 "Lớp đoàn viên 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam" (08/01/2025)

Đang truy cập: 128

Hôm nay: 785

Tổng lượt truy cập: 1,243,058

Liên hệ Facebook Đăng nhập